Mới đây, cư dân mạng đang chuyền tay nhau khoảnh khắc “dở khóc dở cười” của cô gái khi nhìn thấy tài xế ngủ gục trên xe ô tô.
Tạp chí điện tử Sao Star ngày 19/03/2024 đưa thông tin với tiêu đề: “Đang quay clip chill chill, cô gái hoảng hồn khi nhìn sang tài xế”
Với nội dung như sau:
Theo đó, trong khi cả đoàn người trên xe ai cũng mệt mỏi rã rời sau chuyến đi, tranh thủ chợp mắt một chút lấy lại sức khoẻ thì cô gái tỉnh táo nhất chuyến xe hí hửng quay clip “chill chill” để ghi lại kỷ niệm, ngắm mình, ngắm người và cảnh vật xung quanh.
Trên xe ai cũng ngủ…
Đang lia máy điểm danh một vòng, đến khi cô gái quay sang ngắm anh tài xế thì không khỏi kinh hồn bạt vía khi thấy bác tài cũng đã “gục ngã” cùng với mọi người trên xe từ lúc nào.
Dẫu biết rằng cuộc sống này nếu không thể nắm được thì buông tay sẽ là cách tốt nhất. Thế nhưng, nếu tài xế mà buông tay lái thì tất cả mọi người sẽ rủ nhau lên thiên đàng mất.
… kể cả tài xế
Một vài người sau khi xem qua clip đều đoán rằng chiếc xe chắc chắn đang được xe đầu kéo cứu hộ vì không thể có chuyện tài xế “gục ngã” trên xe và buông xui như thế được. Một số bình luận khác được cộng đồng mạng để lại như:
– Để thực hiện được chiếc clip như thế nào chắc phí cũng cao lắm đây!
– Thôi không sao trên xe còn một người thức là được rồi”.
– Xe đó có chế độ tự lái.
– Họ chỉ diễn cho vui thôi tí mà anh tài này cũng chịu hợp tác dữ ha!
Thế nhưng, bên cạnh những bình luận vui vui, cũng có không ít những ý kiến cho rằng dù xe cứu hộ có đang kéo thì việc ngồi trên xe như thế cũng là rất nguy hiểm, sai quy định và sẽ “cháy túi” nếu bị cảnh sát giao thông xử phạt.
Tiếp đến, báo VnẼpress cũng có bài đăng liên quan với thông tin: Giấc ngủ trắng – trạng thái nguy hiểm khi lái xe
Nội dung báo đưa như sau:
“Giấc ngủ trắng” là trạng thái ngủ tạm thời, khiến tài xế rơi vào trạng thái vô thức khi đang lái xe, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Tiến sĩ Mai Đức Thảo, Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị, cho biết ngủ là nhu cầu sống còn đối với cơ thể, chiếm 1/3 thời gian của cuộc đời mỗi người. Giấc ngủ là một trạng thái ức chế nhằm bảo vệ vỏ não, giúp cho cơ thể hồi phục sức lực. Cơ thể rơi vào tình trạng ngủ tạm thời là báo hiệu vỏ não cần được nghỉ ngơi để hồi phục.
Nếu buồn ngủ mà vẫn cố lái xe, người lái sẽ cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ nhưng lý trí, não bộ vẫn ra lệnh cố gắng không ngủ. Khi đó, mắt vẫn mở để quan sát, tay vẫn cầm vô lăng nhưng bộ não rơi vào trạng thái vô thức. Tài xế chỉ tỉnh lại khi có ai đó cảnh báo, giật mình hoặc có âm thanh lớn.
Người lái xe khi rơi vào “giấc ngủ trắng” dù chỉ trong giây lát cũng vô cùng nguy hiểm, dễ gây ra tai nạn giao thông do không làm chủ tốc độ và tay lái.
Giáo sư Telfilo Lee Chiong, Trung tâm Nationnal Jewish Health, Mỹ, từng chỉ ra thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông trên thế giới. Ông cũng đưa ra nghiên cứu về giấc ngủ của các tài xế 19 quốc gia châu Âu cho thấy tỷ lệ buồn ngủ khi lái xe cao, trung bình 17%. Trong đó 10,8% người buồn ngủ khi lái xe ít nhất một lần trong tháng, 7% từng gây tai nạn giao thông do buồn ngủ, 18% suýt xảy ra tai nạn do buồn ngủ.

Người phụ nữ ngủ gật trên xe ô tô Ảnh minh họa: Freepik.
“Giấc ngủ trắng” được nhận biết qua các dấu hiệu như khó tập trung, không chú ý các biển báo giao thông, mất lái, không theo dõi được thời gian, mơ màng, mí mắt nặng, chớp và ngáp thường xuyên, bồn chồn không yên hoặc dễ bị kích động trước thời điểm lái xe.
Tình trạng thiếu ngủ trước mỗi chuyến đi; sử dụng rượu, bia hoặc các loại thuốc cảm cúm, an thần; để chế độ gió không hợp lý dẫn đến thiếu oxy trong xe… là các nguyên nhân dẫn tới “giấc ngủ trắng”.
Tiến sĩ Thảo khuyến cáo tài xế ngủ đủ giấc. Nếu phải cầm lái trong một hành trình dài, tài xế cần đảm bảo đã ngủ đủ ít nhất 6-7 tiếng trước đó, nên tránh lái xe vào đúng giờ ngủ, lái xe vào buổi trưa, vào nửa đêm về sáng.
Những người có kinh nghiệm luôn khuyên các tài xế không nên lái xe quá 3 giờ liên tục. Tài xế cũng cần nghỉ ngơi giữa mỗi chặng để dành thời gian nạp năng lượng, uống nước, rửa mặt, đi vệ sinh nhằm giúp cơ thể có trạng thái tốt nhất. Nếu đi đường dài, mọi người cần bố trí 2 lái xe để đổi lái.
Một số tài xế sử dụng nước tăng lực để có chứa caffein, taurine… để chống lại “giấc ngủ trắng”. Song, nước này chỉ giúp tỉnh táo trong thời gian ngắn. Nếu sử dụng trong thời gian dài, nước tăng lực gây hại cho cơ thể, ví dụ caffeine gây ra phản ứng phụ như tăng nhịp tim, tạo cảm giác lo lắng, buồn bã, rối loạn giấc ngủ, còn taurine giúp hạn chế tác dụng của caffeine song có thể gây mệt mỏi hơn sau giai đoạn tỉnh táo. Một số nghiên cứu còn chỉ ra nước tăng lực có thể gây ra vấn đề về tim mạch.
Không nên nghe bản nhạc quá êm đềm khi lái xe do các ca khúc du dương khiến cơn buồn ngủ ập đến nhanh hơn. Nếu có thể, các tài xế nên mở cửa sổ để không khí lọt vào. Điều này giúp không khí trao đổi tốt hơn, giúp lái xe tỉnh táo hơn. Nếu cơn buồn ngủ ập đến quá nhanh, tài xế nên dừng ở vị trí thích hợp, chợp mắt khoảng 15 phút để cơ thể được nghỉ ngơi.