(Dân trí) – Vĩnh Xương và Anh Tuấn có thể xem là “gương mặt vàng trong làng vai phản diện” của màn ảnh Việt. Song, ít ai biết rằng, ngoài đời cả hai là ông chủ quán rất thân thiện, mến khách.

Trên con phố Ô Chợ Dừa nhộn nhịp của Hà Nội, quán bánh canh ghẹ của nghệ sĩ Vĩnh Xương và Anh Tuấn đã trở thành một điểm đến quen thuộc của nhiều thực khách.
Không chỉ người dân địa phương mà cả du khách trong và ngoài nước đều ghé qua đây, vừa thưởng thức món ăn đậm đà hương vị vừa để gặp gỡ, trò chuyện với 2 “ông chủ quán đặc biệt”.
“Từ thứ 2 đến thứ 6, lượng người đến quán đã rất ổn định, nhưng thứ 7, chủ nhật thì kín bàn luôn. Những lúc như vậy, tôi và Anh Tuấn thường ra hỗ trợ, cùng nhân viên bưng bê, lau dọn, thậm chí dắt xe cho khách. Chúng tôi chẳng ngại việc nhỏ đâu”, nghệ sĩ Vĩnh Xương chia sẻ.
Nghệ sĩ Vĩnh Xương trò chuyện với phóng viên Dân trí.
Duyên phim ảnh, nghiệp bếp bàn
Tình bạn giữa Vĩnh Xương và Anh Tuấn bắt đầu từ hơn 20 năm trước, trong những ngày tháng lồng tiếng đầy nhiệt huyết của Vĩnh Xương và Nguyệt Hằng – vợ Anh Tuấn.
“Từ năm 1999 đến năm 2009, tôi thường xuyên làm việc cùng Nguyệt Hằng trong các dự án lồng tiếng phim. Tôi đảm nhận vai nam chính, còn Hằng lồng tiếng cho nữ chính.
Thời gian chúng tôi ở phòng thu còn nhiều hơn ở nhà với lịch trình dày đặc. 8h cả hai đã có mặt tại Đài Truyền hình Việt Nam, nghỉ trưa lúc 11h30, tiếp tục từ 13h30 đến 17h, rồi lại làm từ 19h đến 22h. Có đợt kéo dài 20 ngày liên tục như vậy”, nam diễn viên kể lại, ánh mắt sáng lên như sống lại những tháng ngày hoàng kim.
Thời gian làm việc với nhau “đủ để Vĩnh Xương và Nguyệt Hằng thân thiết như người nhà”. Anh kể rằng, một ngày, khi cả hai đang lồng tiếng tại Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội ở phố Hàng Dầu, một người đàn ông với mái tóc xoăn tít ghé đầu vào phòng thu.
Nguyệt Hằng cười, nói với Vĩnh Xương: “Ông đợi chút, tôi mang chìa khóa ra cho người nhà”. Vĩnh Xương tò mò nên hỏi: “Ai vậy?”. Nguyệt Hằng tỉnh bơ, đáp: “Ông xã tôi đấy!”.
Đó là lần đầu tiên Vĩnh Xương gặp Anh Tuấn. Họ chỉ trò chuyện vài câu xã giao nhưng chẳng ai ngờ rằng, chính khoảnh khắc ấy là cái duyên cho một tình bạn bền chặt về sau.
“Sau lần gặp đó, tôi dần thân với Anh Tuấn hơn cả Nguyệt Hằng. Chúng tôi cùng nhau dựng kịch ở FPT và cũng từ đó, tôi gặp được vợ mình bây giờ”, Vĩnh Xương cười lớn, kể lại chuyện tình bạn xen lẫn tình yêu đầy bất ngờ của mình.
Trên phim, Vĩnh Xương (phải) và Anh Tuấn thường đóng vai phản diện. Ngoài đời, cả hai là ông chủ quán ăn, thân thiện, dễ gần.
Trước khi quyết định cùng nhau mở quán bánh canh, Vĩnh Xương và Anh Tuấn từng hợp tác trong nhiều dự án: Từ mở câu lạc bộ diễn xuất đến thử sức với các lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Song, bước ngoặt lớn chỉ đến khi họ chọn con đường ẩm thực.
Vĩnh Xương tâm sự: “Là nghệ sĩ, tôi từng nghĩ, mình nổi tiếng, giờ đi phục vụ người khác liệu có ổn không? Nhưng rồi, tôi lập gia đình, sinh một lúc 2 đứa con như nuôi 3, 4 đứa trẻ trong nhà. Áp lực kinh tế quá lớn”.
Thời điểm đó, với vai trò Đoàn trưởng Nhà hát Kịch Việt Nam, lương tháng của anh chỉ vỏn vẹn 5,7 triệu đồng – vừa đủ trả cho 1 người giúp việc. Gia đình lại đông người, gồm vợ, bà ngoại và 2 người giúp việc, vẫn tất bật xoay xở với 2 đứa nhỏ.
Để kiếm thêm thu nhập, Vĩnh Xương lao vào làm phim, nhận trợ lý sản xuất. Nhưng công việc ấy cũng bấp bênh.
“Phim này đạo diễn cần mình, phim sau lại không. Tôi nhận ra, mình không thể mãi bị động nên quyết định chuyển sang kinh doanh”, anh kể.
Sau khi cân nhắc nhiều lựa chọn như bán quần áo hay điện thoại, Vĩnh Xương nhận thấy đồ ăn là lĩnh vực tiềm năng nhất. Và thế là ý tưởng về quán bánh canh ghẹ ra đời từ đó.
“Tôi mất khá lâu để mang công thức từ miền Nam ra Hà Nội, rồi điều chỉnh cho hợp khẩu vị người miền Bắc. Nước dùng là bí quyết quan trọng nhất, làm nên sức hấp dẫn cho món ăn”, anh bật mí.
Thời gian đầu, quán bánh canh của Vĩnh Xương – Anh Tuấn được yêu thích không chỉ nhờ hương vị mà còn bởi tình cảm khán giả dành cho 2 nghệ sĩ. Họ đến chụp ảnh, check-in trên mạng xã hội, giúp tên quán nhanh chóng lan tỏa, được nhiều người biết đến hơn.
Nhiều khách hàng đến quán một phần vì sở thích ăn món bánh canh nhưng một phần để được gặp người họ mến mộ.
Những kỷ niệm đằng sau quán bánh canh ghẹ
Hơn 10 năm bán bánh canh ghẹ, Vĩnh Xương và Anh Tuấn đã chứng kiến không ít câu chuyện đáng nhớ cùng khách hàng.
“Có những vị khách lớn tuổi đến ăn, gặp tôi, xin chụp ảnh và động viên rất nhiều. 4 tháng sau, tôi đăng ảnh lên Facebook, có người để lại bình luận: “Nhớ bà.. vì bà đã mất rồi”. Tôi mới biết bà ấy không còn nữa, lòng bỗng thấy chút hụt hẫng, trống trải”, Vĩnh Xương nhớ lại, giọng trầm xuống.
Hay lần khác, một cô gái trẻ đến quán và hỏi anh: “Chú có nhớ cháu là ai không?”. Thấy anh lắc đầu, cô cười, nói: “Hồi chú mới mở quán, cháu và mẹ đến ăn, chú còn bế cháu trên tay đấy!”… Những khoảnh khắc ấy khiến anh thấy rõ công việc của mình ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Vĩnh Xương cũng vui vẻ kể: “Một lần, vợ chồng người Hàn Quốc cùng con nhỏ đứng tần ngần trước quán. Tôi ra hỏi chuyện, họ ngại ngùng hỏi xem quán có nhà vệ sinh không? Tôi mời họ vào, sau đó họ gọi 3 bát bánh canh.
Trước khi về, họ xin số điện thoại và địa chỉ của quán, ghi vào sổ tay. Một thời gian sau, lượng khách Hàn Quốc đến quán tăng vọt, có lẽ nhờ cặp vợ chồng kia chia sẻ địa chỉ trên các diễn đàn du lịch”.
Quán bánh canh ghẹ của Vĩnh Xương – Anh Tuấn ngày nào cũng tấp nập khách.
Vĩnh Xương cho biết, một doanh nghiệp Hàn Quốc từng đề nghị nhượng quyền thương hiệu để mở quán tại phố đêm ở Hàn Quốc, song 2 anh từ chối vì nhiều lý do.
Một khách người Ấn Độ sống ở Dubai cũng ngỏ ý mời Vĩnh Xương sang tham quan mô hình kinh doanh.
“Tôi sang chợ bên đó, thấy ghẹ to hơn ở Việt Nam nhưng ăn nhạt nhẽo lắm, không ngon bằng. Hơn nữa, hợp tác cần vốn lớn mà chúng tôi lúc đó chưa đủ điều kiện nên cũng thôi”, nam diễn viên cho hay.
Dù quán ngày càng phát triển, họ chưa từng nghĩ đến việc mở thêm chi nhánh. Vĩnh Xương cho rằng, nhiều chuỗi quán, cửa hàng ở Hà Nội mở ra hoành tráng nhưng đóng cửa cũng nhanh.
“Một quán thì dễ quản lý nhưng thêm chi nhánh là chi phí tăng gấp nhiều lần, trong khi doanh thu chưa chắc đã đủ bù đắp. Cứ duy trì một quán gia truyền sau để lại cho con cái là lựa chọn hợp lý nhất”, anh nói.
Những lúc đông khách, ông chủ Vĩnh Xương cũng xông vào bưng bê đồ ăn.
Sức mạnh của sự đồng hành
Cách vận hành quán của Vĩnh Xương và Anh Tuấn cũng rất linh hoạt như cặp bài trùng. Nếu Vĩnh Xương đi đóng phim, Anh Tuấn ở lại trông quán, và ngược lại. Ai nhận vai chính hoặc quay xa thì được ưu tiên. Gia đình Anh Tuấn đi du lịch thì Vĩnh Xương ở Hà Nội. Họ chưa từng đặt ra quy tắc cứng nhắc, chỉ đơn giản là “lựa” nhau để cùng giữ gìn, duy trì công việc chung.
Trên màn ảnh, cả hai thường vào vai trai đểu, dân xã hội đen, nhưng ngoài đời, họ hòa thuận đến lạ.
“Chúng tôi dễ tính, rất thoải mái, ít va chạm. Khi cùng đến quán, Tuấn dắt xe, che ô cho khách, tôi bưng bê… Chúng tôi cứ thấy việc là làm, không có gì để cãi vã hay mâu thuẫn với nhau cả”, Vĩnh Xương cười.
Anh Tuấn không nề hà dắt xe cho khách, Vĩnh Xương cũng không ngại lau chùi, dọn dẹp quán ăn.
Sự ăn ý của họ còn thể hiện qua những sở thích chung như đá bóng, chơi pickleball cùng nhau. Cả hai đều thích chơi game, đến mức ngày trước, Anh Tuấn còn mở quán Internet cũng chỉ để mình và Vĩnh Xương có chỗ chơi cùng.
Thậm chí, có những sở thích trái ngược của họ lại bổ trợ nhau một cách thú vị. Vĩnh Xương tiết lộ: “Tôi thích ăn cá nhưng không thích đi câu, còn Tuấn mê câu thì không thích ăn cá. Thế lại cứ liên quan đến nhau một cách kỳ lạ”.
Các bà vợ không tham gia vào kinh doanh, đó là nguyên tắc ngầm của họ. Vĩnh Xương hóm hỉnh cho biết, 1 ông chủ thì dễ, 2 ông chủ đã phức tạp, thêm 2 bà vợ nữa thì nhân viên không biết nghe ai. Với Vĩnh Xương và Anh Tuấn, 10 năm kinh doanh, giữa họ chưa từng xảy ra mâu thuẫn lớn.
Anh chia sẻ: “Chúng tôi tranh luận vừa đủ để cải thiện quán, còn chuyện tiền bạc thì làm nhiều hay ít cũng như nhau, mỗi người một mảng. Ngoài công việc, 2 gia đình vẫn giữ thói quen thăm hỏi. Cả năm chỉ nghỉ được 9 ngày Tết, chúng tôi tranh thủ kéo sang nhà nhau ăn uống, hát hò cả ngày”.
Từ những ngày lồng tiếng đến khi cùng làm ông chủ quán bánh canh ghẹ, Vĩnh Xương và Anh Tuấn đã viết nên câu chuyện về một tình bạn vượt thời gian. Quán ăn không chỉ là nơi nuôi sống 2 gia đình mà còn là minh chứng cho sự đồng hành, thấu hiểu giữa họ.
Với sự thân thiện và tận tâm – 2 nghệ sĩ, 2 ông chủ quán – vẫn ngày ngày đón tiếp khách, giữ gìn hương vị gia truyền và tình bạn hơn 20 năm gắn bó.
Nghệ sĩ Anh Tuấn tên thật là Phạm Anh Tuấn sinh năm 1973, tại Hà Nội. Anh là gương mặt quen thuộc với khán giả trên màn ảnh nhỏ qua các vai diễn phản diện của những bộ phim truyền hình: Những ngọn nến trong đêm, 12A và 4H, Nhà có nhiều cửa sổ, Hương vị tình thân, Đấu trí…
Nghệ sĩ Vĩnh Xương sinh năm 1975, từng công tác tại Nhà hát Kịch Việt Nam. Anh được khán giả yêu mến qua nhiều bộ phim như: Họa mi về tổ, Những người bạn học, Bức đại tự, Hà Nội 12 ngày đêm, Vào Nam ra Bắc, U tôi…
Gần đây, anh đóng phản diện trong Sinh tử, Đấu trí, Độc đạo…